Ngày đăng bài 03/11/2020
Phân biệt bệnh gạo lợn và áp xe bã đậu lành tính
Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện phần thịt bị áp xe bã đậu thì có phải tiêu hủy cả con lợn hay không?
Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh gạo lợn
Trao đổi với Báo NNVN, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y Cộng đồng (Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Bệnh gạo lợn do ấu trùng Cysticercus cellulosae gây ra. Ấu trùng thường khu trú với mật độ cao nhất tại các vị trí cơ vân (như cơ đùi, cơ vai, cơ chân, cơ hoành...), lưỡi và não ở lợn. Ấu trùng sán lợn có hình thù giống hạt gạo, đầu màu trắng và cứng.
Thông thường, bệnh gạo lợn chỉ xuất hiện trên những con lợn được chăn thả tự nhiên. Sán lây truyền qua phân của con người và các loại gia súc, khi con lợn ăn phải phân chứa các nang sán, nang sán thường di chuyển đến các vị trí cơ, lưỡi và não sau đó tiếp tục phát sinh và phát triển trong cơ thể.
Xử lý thịt lợn nhiễm ấu trùng sán lợn
Về nguyên tắc, trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y kiểm soát giết mổ sẽ mổ khám để kiểm tra tất cả các vị trí mà ấu trùng sán lợn thường khu trú như cơ vân, cơ hoành, lưỡi... Nếu phát hiện lợn có ấu trùng sán thì sẽ tiến hành xử lý theo dẫn tại mục 6 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y ngày 1/6/2016.
Theo đó, đối với lợn nhiễm bệnh gạo lợn, trong 40cm2 mặt cắt có 1-6 ấu trùng thì thịt, thực quản, tim phải luộc chín trước khi sử dụng; gan, lá lách, dạ dày không phải xử lý. Nếu trong 40cm2 mặt cắt có trên 6 ấu trùng thì thịt phải hủy bỏ, các phủ tạng khác xử lý giống như trên.
Những con lợn được chăn nuôi theo quy trình công nghiệp gần như không nhiễm sán lợn.
Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y Cộng đồng (Cục Thú y), khẳng định: Những con lợn chăn nuôi theo quy trình công nghiệp gần như không nhiễm bệnh sán lợn mà chỉ những con lợn chăn thả tự do mới mắc.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam